Chồng bỏ đi, con lên chùa ở, người đàn bà nghèo khó ở trong căn nhà cũ có thể sập bất cứ lúc nào

Khi cán bộ giảm nghèo xã Nhơn Hòa Lập (huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) đưa đoàn khảo sát đến thăm nhà của chị Lê Thị Phủy (SN 1978), không ai tin đó là một căn nhà.

Căn chòi vách ván, mái tôn, nền đất chỉ rộng chừng 10m2, bên trong kê đủ một giường gỗ cũ và góc bếp lò đốt bằng củi.

Bức vách được tận dụng để giăng dây treo quần áo, các vật dụng khác cũng được treo la liệt quanh vách. Căn nhà không có khu vệ sinh, chị Phủy phải đi nhờ nhà vệ sinh của gia đình mẹ ruột ở gần đó.

Khi con trai ở nhà, chị Phủy trải chiếu dưới sàn đất để ngủ. Khi con không có ở nhà, chị mới được ngủ trên chiếc giường duy nhất trong nhà.

Chồng bỏ đi, con lên chùa ở, người đàn bà nghèo khó lo nhà sập | Báo Dân trí

Thấy khách nhìn quanh nhà, chị Phủy ngại ngùng chia sẻ: “Em ở một mình, chỉ chừng này cũng thoải mái”.

Thế nhưng, ai cũng ái ngại cho chị vì khi đứng ngoài nhìn vào, căn chòi nhỏ đã nghiêng sang một bên như có thể đổ bất cứ lúc nào. Chị Phủy cũng muốn sửa sang lại để ở cho yên tâm trong mùa mưa bão nhưng chị lại lo vay mượn nợ nần không biết làm gì ra tiền để trả.

“Giờ em làm đủ ăn đã khó, làm sao dám mơ có cái nhà đàng hoàng”, chị Phủy tâm sự.

Như bao người phụ nữ khác ở vùng quê nghèo Nhơn Hòa Lập, chị Phủy lập gia đình sớm, ở nhà nội trợ và chăm sóc con nhỏ. Thỉnh thoảng, khi đến mùa gặt thì chị đi làm thuê cho những gia đình có ruộng kiếm thêm tiền phụ chồng mua gạo, mắm.

Gia đình không có ruộng đất nên 2 vợ chồng chỉ biết đi làm thuê. Ở quê ít việc, chẳng mấy ai thuê, thu nhập chỉ đủ để cả nhà tằn tiện sống qua ngày.

Chồng bỏ đi, con lên chùa ở, người đàn bà nghèo khó lo nhà sập | Báo Dân trí

Đến năm 2005, việc ở quê ngày càng ít, chi phí nuôi con nhỏ ngày càng lớn nên chồng chị bàn với vợ là lên Bình Dương làm phụ hồ, kiếm tiền gửi về quê để lo cho vợ con.

Hơn 1 tháng sau, chị Phủy chờ hoài không thấy chồng gửi tiền về. Chị hỏi người chú đi làm cùng chồng mới biết ông ấy đã cặp với một cô gái trẻ, không chịu về nhà nữa.

Khi đó, con trai của chị mới 10 tuổi. Đứa trẻ giận cha, đòi bỏ nhà lên chùa ở. Chị khóc cạn nước mắt, năn nỉ con ở lại.

“Em gửi con cho bà ngoại rồi lên TPHCM làm phụ quán cơm kiếm tiền nuôi con. Đến khi nó lớn cũng bỏ nhà lên chùa ở. Em năn nỉ hết lời cũng không được. Không biết nó nghĩ gì nhưng từ sau khi cha nó bỏ mẹ con em, nó ít nói, chỉ muốn ở trên chùa”, chị Phủy cho hay.

Chồng bỏ đi, con lên chùa ở, người đàn bà nghèo khó lo nhà sập | Báo Dân trí

Số phận không may, sức khỏe của chị Phủy rất kém, thường xuyên bệnh vặt, đến khi đi làm thì bệnh càng nhiều hơn. Chị đi khám mới biết mình mắc nhiều bệnh mãn tính như hở van tim, loét dạ dày, thoái hóa khớp gối, viêm xoang… Do đó, chị chỉ có thể làm những công việc nhẹ nhàng, thu nhập rất thấp, lại tiêu tốn thuốc thang.

Vì không làm ra tiền nên cả đời chị sợ nhất là nợ nần. Khi bị loét dạ dày đau đến ngất xỉu, đưa vào bệnh viện cấp cứu, bác sĩ yêu cầu nhập viện điều trị mà chị cũng xin về, uống thuốc giảm đau để cầm cự vì sợ vay nợ không biết khi nào có tiền để trả.

“Lúc đi làm em giấu bệnh, vì sợ nhập viện rồi thì ai đi làm nuôi con! Em uống thuốc giảm đau, tiêu hóa hằng ngày. Còn bệnh tim, viêm xoang thì nghe người ta bày trồng thuốc nam quanh bờ ruộng để tự nấu uống. Đầu gối khi nào sưng đau thì tăng liều thuốc giảm đau…”, chị Phủy tâm sự.

Từ khi bắt đầu dịch Covid-19, sức khỏe quá kém nên chị Phủy không thể lên thành phố làm thuê nữa. Chị ở nhà đi làm đồng, nhổ cỏ, bóc vỏ hạt điều, phụ đám tiệc, dọn dẹp nhà cửa cho nhà khá giả trong xã… Làm đủ nghề nhưng mỗi tháng chị chỉ có việc để làm 5-10 ngày, thu nhập vài trăm ngàn đến hơn 1 triệu đồng, có khi không có đồng nào.

Trong khi đó, mỗi tháng cố định chị phải chi 600-700 ngàn đồng mua thuốc, chưa kể bệnh cấp tính thì còn tốn kém hơn, phải mượn nợ bên ngoài.

“Em làm chỉ đủ đắp đổi qua ngày thôi. Thỉnh thoảng thiếu tiền thì vay nợ vài trăm ngàn. Đến nay nợ mấy triệu rồi mà chưa biết kiếm đâu ra để trả thì làm sao dám mơ có tiền xây nhà, sửa nhà cho đàng hoàng”, chị Phủy nói.

Căn chòi mẹ chị đang ở, đã che mưa chắn gió cho mẹ con chị gần 20 năm, nay xuống cấp trầm trọng, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Thế nhưng, với chị, một căn nhà đàng hoàng chỉ là ước mơ…

Bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền, Phó trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Tân Thạnh, cho biết, gia đình chị Phủy là hộ nghèo, không có ruộng đất gì, chỉ có cái nhà đang xuống cấp nghiêm trọng, kinh tế gia đình rất khó khăn nên dù nhà rách nát cũng không có tiền tu sửa.