Trong số 33 “Anh tài” tham gia chương trình thực tế Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai thì cái tên Đinh Tiến Đạt nhận được sự quan tâm của công chúng.
Từng là rapper đình đám, nhân tố nổi bật ở chương trình thực tế nhưng ở thời điểm mọi thứ đang phát triển thì Tiến Đạt quyết định “ở ẩn”, kết hôn với Thụy Vy và lần lượt chào đón các nhóc tỳ.
Khi đã trở thành ông chủ của một chuỗi quán cafe và bố 2 con thì Tiến Đạt tái xuất, tìm về với ánh hào quang mà mình đã từng có.
Xuyên suốt buổi phỏng vấn cùng chúng tôi, Tiến Đạt liên tục tự nhắc nhở bản thân phải cố gắng nhiều hơn, bởi lẽ anh biết vị thế đã phần nào bị ảnh hưởng trong suốt gần 1 thập kỷ ở ẩn. Không chỉ được “lão hóa ngược” khi đứng trên sân khấu, được viết, được hát, được nhảy… Tiến Đạt còn có những người tri kỷ mới. Song song với điều tích cực thì Tiến Đạt cũng vướng không ít tranh cãi, bàn tán, và anh thẳng thắn đón nhận mọi thứ.
Clip: Tiến Đạt trải lòng về quyết định tham gia Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, tiết lộ cuộc sống và quan điểm làm nghề sau 9 năm vắng bóng
Sau 9 năm tạm rời xa sân khấu, lý do gì khiến Tiến Đạt quyết định tái xuất ở Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai?
Khi nhận được lời mời, tôi đắn đo vì lâu rồi không quay lại. Tôi định từ chối. Tuy nhiên, trước khi quyết định tôi cũng phải tìm hiểu về chương trình, xem có phù hợp với mình hay không để tìm lý do từ chối dễ dàng hơn. Nhưng sau khi xem thì tôi bị “dính” luôn. Tôi chia sẻ với vợ và được vợ động viên nên quyết định tham gia. Dạo này cuộc sống tôi có phần bận rộn vì vừa ghi hình, tập luyện vừa kinh doanh nhưng thật sự là lâu rồi tôi mới có cảm giác làm việc vui như vậy.
Có lẽ so với những “Anh tài” đang còn duy trì hoạt động thì Tiến Đạt sẽ có nhiều “chông gai” hơn khi tham gia chương trình?
Thật sự lần quay trở lại này tôi gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, tôi phải đi tập nhảy vì quá lâu rồi không nhảy nên quên hết các động tác. Tôi giống như bị mất cảm giác nên khi tập thử tôi thấy mình không còn thuộc về nhảy nhót. Trước kia tôi thấy những người lớn tuổi nhảy thế nào thì hiện tại tôi y như vậy. Tôi thật sự hơi lo sợ. Thứ 2 là phải học luyện thanh. Vì bỏ quá lâu rồi nên khi bước chân vào luyện thanh, tôi rất ngại vì khi hát lên rất phô, còn không bằng một người bình thường hát.
Việc Tiến Đạt tái xuất tạo nên một làn sóng trên mạng xã hội, vậy những người xung quanh anh đã phản ứng như thế nào?
Bạn bè là người động viên trước tiên. Fan tôi hiện chắc dưới chục người, đếm trên đầu ngón tay được luôn đó. Thời của tôi thì fan không nhiều, cũng tầm 20, 30 người. Lúc đó ít có offline fanclub lắm. Mọi người sẽ viết thư tay gửi qua bưu điện. Khi tôi đi diễn tỉnh thì sẽ dành ra 1 ngày ngồi nói chuyện, kí tên, tặng đĩa các thứ. Dần dần, tôi không đi diễn nhiều thì lượng fan giảm đi. Còn thời bây giờ là có thể kết nối trên Internet, nói trực tiếp được.
Trước khi đi thi thì tôi có chia sẻ với Ái Phương. Ái Phương nói tôi đi thi. Nhã Phương thì trong hội cũng biết nên động viên tôi đi thi cho vui. Nói chung, mọi người rất hào hứng và khuyên tôi tham gia.
48 giờ để tập luyện cho buổi biểu diễn đầu tiên của Tiến Đạt đã diễn ra như thế nào, bởi lẽ so với 3 người còn lại, anh đã xa sân khấu rất nhiều năm rồi và chắc sẽ cần thời gian nhiều hơn để làm quen?
Ngoài bài solo là được phép chuẩn bị từ trước thì 33 anh tài có 48 tiếng để tập luyện cho tiết mục cùng những thành viên trong nhóm. Tôi thực sự lo lắng vì lâu rồi không viết rap. Tôi không biết sẽ kể câu chuyện gì, viết như thế nào để không bị cũ và khán giả bây giờ có thể hiểu được. Lúc đó tôi thật sự hoang mang. Thông thường, tôi phải chuẩn bị rất lâu cho một sản phẩm mà giờ chỉ có 48 tiếng, mà còn phải kết hợp với người khác nên trong tôi có sức ép rất lớn.
Tôi cũng mất 1 ngày, hơn phân nửa thời gian quy định để viết lời. Tôi phải chọn lọc những từ ngữ, tham khảo thêm ý kiến để làm sao cho gần gũi với khán giả. Tôi cũng ghi chép lại trend của giới trẻ trước khi vào chương trình nhưng thực ra rất khó vì có ghi tôi cũng không hiểu ý nghĩa là gì. Có những từ như “mukbang”, tôi không hiểu tại sao những từ này xuất hiện. Nhiều khi ghi để đó xong cũng quên.
Khi đó, các thành viên trong nhóm nói với tôi là “Anh nên viết những gì của anh. Không phải theo mọi người đâu. Anh hãy viết những gì gần với anh nhất”. Tôi nghĩ là nếu vậy, tôi viết những gì của mình, sự trở lại của tôi lần này có những điều gì. Sau đó, tôi mới cảm thấy mọi chuyện bắt đầu dễ dàng hơn.
Hỏi thật, vòng đầu khi được xếp đội chung với Rhymastic, Binz, Hà Lê, thì Tiến Đạt tự tin hay tự ti nhiều hơn? Bởi xét trên thâm niên, anh có thể top đầu nhưng xét về độ làm quen sân khấu, update trend thì anh có phần hụt hơn so với Binz, hay Rhymastic?
Thú thật lúc đó tôi cũng hơi lo lắng, tôi nghĩ: “Chết rồi, giờ Rhymastic và Binz rất nổi tiếng, Hà Lê thì rất đỉnh. Mình phải làm gì đây?”. Ngoài đời, tôi cũng chưa gặp họ bao giờ, chỉ có chào hỏi Hà Lê trước đây tại Hà Nội, lâu lắm rồi. Tôi chỉ biết đi diễn thì nhìn nhau rồi chào nhau thôi là hết. Trong đầu tôi bắt đầu xuất hiện những câu hỏi: Bây giờ, làm sao để làm việc? Làm sao liên lạc với họ?…
Khi đến với chương trình, tôi cũng đặt mục tiêu là mình sẽ không ngồi một chỗ đợi mọi người liên hệ với mình. Mình phải làm điều ngược lại, phải chủ động. Việc nhắn tin cho mọi người, tôi là người làm đầu tiên. Tôi nhắn tin cho từng người trước rồi tạo group làm việc. Đây giống như một “chướng ngại” mà tôi vượt qua. Tôi cảm thấy mình cũng đã cố gắng bước qua thử thách đầu tiên, chuyển từ hướng nội sang hơi hơi hướng ngoại.
Cái gì mở màn cũng mang đến cho người ta những cảm xúc đặc biệt, vậy khoảnh khắc đứng trên sân khấu, biểu diễn tiết mục đầu tiên ở Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai của Tiến Đạt đã diễn ra như thế nào?
Lúc đầu, tôi hơi rụt rè vì lâu rồi không lên sân khấu, tay chân như thừa thãi, đi tới đi lui còn mắc cỡ. Từ từ qua bài solo đầu, tôi cảm thấy mạnh dạn hơn. Nếu xem kỹ thì sẽ thấy lúc bài solo ballad, tôi đi không được tự nhiên, những cử chỉ rất cứng, rất thiếu tự tin. Chỉ khi tôi hát chung với 3 bạn rapper còn lại là Hà Lê, Rhymastic và Binz, tôi mới thấy tự tin trở lại.
Tiến Đạt có đọc bình luận của khán giả sau khi lên sóng không. Anh có biết việc anh chọn bài Tặng Anh Cho Cô Ấy đã nhận về không ít ý kiến bàn tán. Thậm chí có người còn cho rằng anh khơi gợi, ẩn ý những việc đã ra trong quá khứ?
Thật sự ban đầu tôi không chọn Tặng Anh Cho Cô Ấy của Hương Giang từng hát. Trong quá trình luyện thanh, mọi người có khuyên tôi hát Đêm Không Sao, tôi có tập bài này nhưng cuối cùng lại không liên hệ với tác giả nên không dùng được. Vì như mọi người cũng biết, chương trình phải ký kết hợp đồng với tác giả mà không liên hệ được thì không làm được.
Sau đó, tôi và giáo viên thanh nhạc tìm rất nhiều ca khúc, cũng tập qua những ca khúc đó nhưng cuối cùng chương trình cũng không làm việc được về phần tác quyền với nhạc sĩ. Rất là khó khăn. Gần đến ngày cuối rồi, chương trình nói tôi tự sáng tác thì dễ nhất. Thật sự, đó là điều khó khăn nhất với tôi vì quá lâu rồi tôi không viết. Trước tình huống đó, giáo viên thanh nhạc mới nói thử liên hệ với một người bạn, không biết có được hay không. Cuối cùng, khi đưa bài này cho tôi tập, giáo viên bảo bài này phù hợp với quãng giọng của tôi. Đây cũng là một bài của người nữ hát thì khi cover lại cũng dễ dàng hơn, không bị so sánh. Tôi thật sự không biết bài hát đó như thế nào, cho bài nào hát bài đó thôi, không có sự lựa chọn. Cuối cùng giáo viên đã liên hệ với tác giả và được đồng ý, sau đó cả hai chỉ tập luyện. Cũng may là vẫn kịp thời gian để tập.
Những bài trước tôi chọn thì bài nào cũng về tình yêu đôi lứa, về chia tay. Bây giờ, các bạn có thể nhìn list nhạc của Việt Nam, có bài nào là không có tình yêu, chia tay không? Hiếm lắm. Mà nhạc ballad nữa thì 1000 bài gần như là chia tay hết, không có bài ballad nào mà không chia tay. Cho dù bây giờ tôi có hát bài gì thì cũng sẽ bị mọi người nhắc tới. Tôi biết kiểu gì cũng bị réo tên, kể cả khi tôi không hát.
Sẵn nói gì những bàn tán, anh có biết chuyện anh và Duy Khánh cùng xuất hiện ở phần mở màn cũng khiến người ta suy đoán ra nhiều vấn đề không? Đó là sự tình cờ hay do sắp xếp của ban tổ chức?
Trước khi đến với chương trình, tôi và Duy Khánh đã gặp nhau khi thanh nhạc rồi. Dù không có thời gian nói chuyện nhiều cũng chào hỏi nhau. Hôm đó, khi mọi người vào trường quay thì mưa tầm tã cho nên ai vào được giờ nào được đẩy lên giờ đó. Gần như không có sự sắp xếp. Tôi nghĩ đó là sự trùng hợp thôi.
Nhiều người nhận xét màn trình diễn của Tiến Đạt – Binz – Rhymastic và Hà Lê như kiểu 4 huấn luyện viên của Rap Việt, anh nghĩ sao?
Tôi cảm ơn mọi người đã dành tình cảm đặc biệt cho 4 anh tài trong nhóm Nham Thạch. Thật sự khi coi lại, tôi cũng cảm nhận được điều đó. Vì sao có năng lượng như vậy? Bởi khi làm việc cùng nhau, chúng tôi như những người bạn, không có áp lực, không ai hơn thua ai. Khi tập luyện, mọi người cảm thấy vui vẻ, đùa giỡn và chỉ mong chờ phút giây được cùng đứng trên sân khấu. Bản thân tôi mong đến phần biểu diễn nhóm hơn là hát solo ballad. Khi lên sân khấu, mọi người nói: “Anh em mình cháy hết thôi. Đâu có gì để mất”. 4 thành viên lên sân khấu với một tâm thế là để chơi và để cháy, không có thi thố gì trên này hết. Vì vậy, tiết mục có một năng lượng không giống với đi thi.
Khi đứng trước bất kỳ bất đề nào cũng sẽ có ý kiến trái chiều, Tiến Đạt sẽ phản ứng ra sao với những bình luận nói phần rap của anh chưa đặc sắc, không thấm được và có phần xưa cũ?
Tất nhiên, tôi cũng cũng biết sẽ có ý kiến trái chiều rồi. Nhưng mà những ý kiến đó, tôi sẽ tiếp thu để làm động lực tiến bộ hơn mỗi ngày. Chắc chắn. Tôi sẽ cố gắng nhiều hơn.
Những ngày qua, trên mạng xã hội tranh cãi về vai trò chấm điểm của khán giả trường quay, người nào nhiều fan hơn thì sẽ chiến thắng thay vì đánh giá dựa trên kỹ năng, kỹ thuật biểu diễn… Là người vắng bóng khá lâu, anh có nghĩ mình gặp bất lợi với hình thức chấm điểm này không?
Đó cũng là một bất lợi, chắc chắn là một bất lợi. Nhưng tôi nghĩ rằng, chương trình có tên là Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai mà. Nghĩa là càng bất lợi, chúng ta càng phải cố gắng nhiều hơn. Nếu dễ dàng quá, mình đi thi không thấy có gì vui hết. Càng có những “chông gai” thì mình càng phải cố gắng vượt qua. Mình không được nhiều khán giả vote, không phải vì thế mà buồn. Tôi biết đây không phải thời của mình, tôi giống như đang lội ngược dòng nên phải cố nhiều hơn. Tôi hiểu đây là thời của những người bạn khác, thế hệ khác nên họ được đón nhận là điều hiển nhiên. Tôi không thể nào thể hiện sự bực bội được.
Anh nghĩ sao nếu nhiều khán giả cho rằng Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai nên có thêm 1 ban cố vấn có tính chuyên môn để can thiệp vào điểm số một cách công bằng hơn là giao phó hết cho khán giả?
Nếu bây giờ có một ban cố vấn cũng là một ý kiến đúng. Nhưng ban cố vấn sẽ chấm cái gì vì với những người lão làng và có thâm niên như anh Tự Long, Tuấn Hưng… Điều đó cũng khá khó đấy. Nếu có thì tôi nghĩ sẽ được, nhưng lúc đó thế nào khán giả cũng sẽ nghĩ phải chấm thiên vị cho những anh lớn hơn, cán cân sẽ thiên về các anh lớn hơn. Dù điểm số được quyết định bởi giám khảo hay khán giả, ban cố vấn chuyên môn (nếu có), tôi nghĩ rằng khi tham gia một gameshow thì mình chấp nhận. Vì tôi đã hiểu được tính chất của gameshow rồi mới quyết định tham gia hay không mà. Chương trình nào cũng sẽ có mặt thiếu sót, không thể nào có những mặt hoàn thiện 100%.
Khi khán giả trường quay được chấm điểm, tôi nghĩ đây cũng là một thử thách của người chơi và của riêng tôi. Tôi phải suy nghĩ làm sao để khi bất ngờ quay lại vẫn có thể chinh phục được từng đó con người. Nếu không thuyết phục được từng này người trong khán phòng thì sao có thể chinh phục được những khán giả ngoài. Khán giả của mình trong 10 năm họ đi đâu hết rồi? Họ có con, lập gia đình và cũng bận bịu trong vấn đề cuộc sống cá nhân. Họ không thể nào rảnh để dành nhiều thời gian cho mình, đi theo mình như cách đây 20 năm. Đây là 350 con người là những khán giả tiềm năng của mình, mình phải chinh phục họ.
Trong tập 1, mọi người tranh cãi về việc BB Trần thể hiện chưa thật sự xuất sắc nhưng lại được xếp thứ tự cao nhất so với ST Sơn Thạch, Thanh Duy hay Neko Lê… Về cá nhân anh, anh nghĩ sao về vấn đề này?
Tôi nghĩ điều này chứng tỏ mỗi nghệ sĩ có một đối tượng khán giả riêng. Việc fan bảo vệ thần tượng và quan điểm của họ cũng là điều đương nhiên thôi.
Tiến Đạt có chia sẻ anh đã tạm xa âm nhạc khá lâu, thậm chí khi nghe nhạc còn bị mệt. Chuyện này đã xảy ra với anh vào giai đoạn nào vậy?
Lỗi tai của tôi nghe được tần số âm thanh cao, nhạy bén hơn người khác một chút. Có một lần tôi kiểm tra thính giác thì những tần số cao được tôi phát hiện nhanh hơn. Sau này, các bạn trẻ có xu hướng làm nhạc với tần số âm thanh cao nên khi nghe, tôi bị khó chịu trong lỗ tai. Nghe nhiều tôi sẽ bị mệt, không dung nạp được. Mà cái gì đã không dung nạp được thì tôi sẽ không nghe nữa vì sợ cảm thấy khó chịu. Theo thời gian, tôi không nghe được nhạc trẻ luôn vì âm thanh nào cũng giống nhau. Bên cạnh đó, tôi thích nghe nhạc acoustic, thích những âm thanh từ analog hơn vì âm thanh này không chói tai. Khi tham gia chương trình, tôi bắt buộc phải nghe nhạc. Khi nhận lời, tôi biết mình phải có trách nhiệm, tự update bản thân và không thể nào không nghe được. Ngay từ giây phút đó, giống như tâm trí mình mở ra nút thắt, tiếp nhận những âm thanh khác, nghe có chủ đích hơn, không phải cứ đeo tai nghe vào nghe mà từ từ cảm nhận vào đầu.
Khi tôi mở lòng ra và bắt đầu nghe, tôi cảm thấy có những bạn trẻ sáng tác giai điệu rất hay, âm nhạc rất mới mà mình đã bỏ qua chỉ vì mình không thích âm thanh đó thôi. Mình đã bỏ qua ca khúc hay như vậy. Từ từ mình nghe mới thấm được vào người. Tuy nhiên, nhiều khi tôi cũng không nghe rõ lời, tôi từng nghĩ hay là do mình già. Nhưng sau khi đi học thanh nhạc, giáo viên giải thích là trend bây giờ phải hát như vậy, tôi già rồi nghe không được. Tôi thấy khá đúng vì giờ mà bảo tôi hát không rõ lời thì khó lắm. Chữ đó phải hát đúng chữ, đúng lời, chứ không thể nào hát không rõ được. Đó là nhược điểm của tôi. Để mà tôi bắt chước được các bạn thì khó. Nhưng đối tượng khán giả của các bạn vẫn nghe được, chỉ có đối tượng già như tôi mới không nghe được thôi.
Từ lúc vào nghề đến bây giờ, Tiến Đạt cho khán giả thấy một khía cạnh rất văn minh của rap Việt, tuy nhiên thời gian gần đây xuất hiện nhiều chuyện “rap diss”, dùng chuyện đời tư, drama và gợi liên tưởng đến một ai đó. Tiến Đạt nghĩ sao về vấn đề này?
Tôi không đánh giá được ý kiến này vì trong rap có một dạng gọi là rap diss – một văn hoá của rap. Ngay từ đầu, khi tôi quyết định chọn rap thì tôi không chọn mảng này. Tôi biết rap là một nghệ thuật, rất rộng, không đơn giản gói gọn trong việc diss nhau qua lại, không chỉ dừng ở việc lấy đời tư của nhau để rap diss mà còn nhiều chủ đề để khai thác. Trong thời của tôi, ca từ được kiểm duyệt gắt gao nên tôi quen với việc đó rồi. Khi tôi viết ra, có thể các bạn sẽ thấy cũ kĩ, sến súa nhưng bây giờ kêu tôi viết kiểu như các bạn thì không phải con người tôi nên không thể viết được. Có viết thì cũng không hát được vì tôi không dùng những câu từ đó thường xuyên trong sinh hoạt nên không thể rap hay được. Chỉ có những câu từ tôi thường sử dụng, thì mới có thể đưa vào lời và rap lên như một thói quen. Giống như những câu nói mình hay nói thì mới có thể tự tin nói với nhiều người được.
Khi quay lại một show thực tế ở tuổi 43, Tiến Đạt sợ thị phi hay vô tình bị kéo vào những thị phi không?
Sợ chứ. Tôi sợ buột miệng nói ra những từ không đúng với suy nghĩ. Tôi thấy nhiều người bị như thế. Ví dụ mình ăn trái cam, đi ra ngoài chợ nói muốn mua trái quýt. Người bán hàng đưa trái quýt thì mình lại phản ứng lại là tôi nói mua trái cam cơ mà, tại sao đưa tôi trái quýt. Đó là chuyện bình thường. Tôi rất sợ thỉnh thoảng bị gặp trường hợp đầu nghĩ A mà miệng nói B. Trong ngữ cảnh nào đó, tôi sợ bị đẩy lên một câu chuyện khác. Hoặc cả một cuộc nói chuyện, chỉ lấy đúng chữ họ muốn lấy, họ đưa lên truyền thông thôi.
Tính đến thời điểm này, Tiến Đạt và các anh em trong chương trình có mối quan hệ thế nào?
Anh Tự Long thì tôi thấy nhiều trên truyền thông rồi, tôi chỉ lo lắng là không biết anh có quen với sinh hoạt của người miền Nam hay không. Riêng anh Hồng Sơn, tôi rất ấn tượng vì tôi không nghĩ sẽ có anh tham gia chương trình. Với anh thì tôi lo không biết anh có quen với nghệ sĩ hay không nữa vì nghệ sĩ sẽ rất khác, không giống với những gì mọi người hình dung. Những người mà tôi đã tiếp xúc rồi thì không nói. Nhưng toàn bộ với những người tôi chưa tiếp xúc thì tôi có cái nhìn ngược lại hoàn toàn, không giống với những suy nghĩ trước đây khi chúng tôi chính thức vào nhà chung.
Cuộc sống trong nhà chung như một ký túc xá thu nhỏ, ở đó 33 anh tài ăn, ngủ, chơi đùa với nhau. Mọi người bắt đầu dần dần hiểu nhau nhiều hơn, bắt đầu nảy sinh tình cảm rất nhiều. Các bạn cũng thấy những vòng có nhóm nào lên thi đấu thì mọi người ở dưới đều hò reo vì đó là tình thân.
Tuy nhiên, mối quan hệ sẽ thay đổi liên tục. Vì sao? Vì mỗi công diễn, các nhóm sẽ phải tách ra và thành lập nhóm mới nên cứ phải thay đổi liên tục. Thời gian trong đó, bắt buộc mình phải làm việc với nhóm của mình liên tục, thời gian rảnh đi ăn cơm thì tôi mới được tiếp xúc bên ngoài. Cho nên là mối quan hệ sẽ thay đổi theo từng giai đoạn, sau đó mới có tình cảm sâu sắc qua từng công diễn. Nếu hỏi về những người tôi cảm thấy hợp nhau thì các bạn cứ để ý tôi xuất hiện trên truyền thông nhiều với anh tài nào trong giờ nghỉ ngơi thì sẽ thấy nhóm đó hợp nhau, ngồi đàn ca các thứ. Ví dụ như anh Bằng Kiều, Tiến Luật, anh Tự Long, Rhymastic, Binz, Trọng Hiếu…
Trong một bài phỏng vấn, anh từng chia sẻ thấy showbiz Việt hỗn loạn và nhiều vấn đề. Vậy sau khi tái xuất, anh có muốn định nghĩa lại quan điểm về showbiz trong tâm tưởng của mình không?
Nó vẫn hỗn độn mà. Tôi cảm thấy ở đâu cũng hỗn độn hết, không riêng gì showbiz. Ai cũng muốn nhìn, muốn soi mọi thứ trong showbiz nên sẽ càng thấy hỗn độn hơn. Có những việc rất bình thường với người trong nghề, thế nhưng người ngoài lại làm nó trở nên hỗn độn.
Anh có bao giờ trải qua tình huống bị người ngoài làm hỗn độn cuộc sống của mình chưa?
Tôi ngồi yên cũng bị réo mà, nên tôi hiểu và quen với cảm giác đó.
Tiến Đạt đi thi nhưng tôi thấy người chăm chỉ update hơn cả anh chính là chị Thụy Vy, vợ anh có lẽ rất hạnh phúc khi chồng quyết định trở lại nhỉ?
Đúng rồi. Vợ tôi là người nắm nhiều hơn và rõ mọi thứ và phải nhắc nhở ngược lại tôi. Vợ tôi sẽ kết nối với các bên liên quan để tôi đỡ phải nhớ nhiều. Như quần áo thì tới ngày đưa cái gì thì tôi mặc cái đó thôi. Tôi không được ý kiến.
Không chỉ vợ tôi đâu mà các bà vợ có một group kín rồi nên nhất cử nhất động của các anh trong đó là các bà vợ truyền tai nhau hết. Các bà vợ rành lắm.
Khi thấy vợ đăng trên Facebook tôi cũng tự hào vì lúc trước vợ tôi đâu về khoe tôi nhiều thế đâu. Hồi nhỏ, vợ tôi kêu không biết Tiến Đạt là ai hết, chỉ biết Đăng Khôi với Công Chúa Bong Bóng (Bảo Thy) thôi. Bây giờ hai vợ chồng về nhà coi chương trình liên tục. Cuộc sống chúng tôi cũng vì thế mà vui hơn bình thường, có chuyện để bàn tán nhiều hơn.
Nếu may mắn được đi sâu vào Chung kết, trở thành 1 trong các thành viên của “gia tộc” Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai thì anh có đi diễn trở lại không?
Nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, đam mê của tôi bùng cháy trở lại và tôi cũng cảm thấy tinh thần vui vẻ thì chắc chắn sẽ nắm bắt cơ hội và nhận show. Khi tôi đang sung sướng với một điều gì đó mà không cho nó bung xoã ra thì sẽ chán lắm.
Nếu đi hát lại thì một doanh nhân như anh có quan trọng cát xê không?
Tôi nghĩ mình sẽ đi diễn để thỏa đam mê. Tôi không đặt nặng vấn đề tài chính. Từ ban đầu, mục tiêu của tôi khi tham gia chương trình là để vượt qua những điểm yếu, giới hạn của bản thân, thể hiện nhiều thể loại. Mục tiêu thứ hai là đi càng sâu càng tốt (cười).
Nghe bảo cả dàn Anh tài thường hay tụ tập uống bên quán của anh, họ đồn anh là “phú ông” của Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai?
Đâu có đâu. Vì quán của tôi gần nhà các anh, ví dụ như anh Bằng Kiều, anh Phan Đinh Tùng nên mọi người thường sang chơi. Đối với những người nghệ sĩ là bạn của tôi hoặc nghệ sĩ khác, tôi có dặn nhân viên ở tất cả chi nhánh là nếu thấy thì giảm giá nhiều. Trong chương trình, tôi hay mời nước mọi người nên mọi người gán tên vậy thôi chứ tôi hổng phải “phú ông” đâu.